Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Firmware là gì?


Firmware là gì?
                            Chiếc điện thoại của bạn bản chất chỉ là một vật vô tri vô giác không thể hoạt động được nếu không có hệ điều hành. Hệ điều hành chính là phần “sụn” giúp cho người dùng và phần mềm tương tác với phần cứng của máy. Khi bạn chạm vào màn hình hay thực hiện thao tác với các phím bấm, hệ điều hành sẽ biến những tương tác đó thành câu lệnh để phần cứng có thể hiểu được và thực hiện phản hồi. Tuy nhiên, hệ điều hành chỉ có thể nhận diện được một vài thiết bị phần cứng cơ bản như RAM, flash, CPU... mà không hiểu được các chức năng phần cứng nâng cao. Để sử dụng các thiết bị phần cứng này, nhà sản xuất phải viết riêng một phần mềm gọi là driver nhằm giúp hệ điều hành hiểu được và tương tác được với chúng. Lấy một ví dụ với chiếc máy tính của bạn, nếu muốn sử dụng USB gắn ngoài hay đầu đọc thẻ nhớ, webcam... bạn phải cài driver của nhà sản xuất chứ gần như không thể cắm là chạy được. Tại sao e-CHÍP lại nhắc đến hệ điều hành trong một bài viết về firmware? đó chính là vì firmware là một bản tùy biến của một hệ điều hành dành riêng cho một thiết bị nào đó. Ví dụ, Samsung sử dụng hệ điều hành Android cho chiếc điện thoại Galaxy S nhưng không phải phiên bản Android nào cũng cài được cho chiếc máy này, do thiếu các driver cần thiết để máy hoạt động đầy đủ chức năng. Như vậy, các nhà sản xuất sử dụng một hệ điều hành cơ bản, bổ sung thêm các driver, chỉnh sửa một số thay đổi trong giao diện, thiết lập cấu hình... để tạo thành firmware hay còn gọi là ROM. Tất nhiên, không phải cái gì cũng hoàn hảo một cách tuyệt đối. Firmware cho điện thoại do con người viết ra nên chắc chắn nó cũng sẽ không hoàn hảo như chủ nhân của mình. Thông thường, trong những bản firmware mà nhà sản xuất nạp vào thiết bị khi xuất xưởng luôn tồn tại rất nhiều lỗi nhỏ, thậm chí là lỗi lớn mà do vội vã ra mắt đã không được kiểm tra kỹ lưỡng. Mặt khác, có thể những chuyên gia phần mềm chưa thật sự hiểu rõ về một cấu trúc phần cứng mới nào đó, do vậy mà hiệu năng tổng thể toàn hệ thống chưa thật sự tương xứng với sức mạnh phần cứng. Thêm vào đó, không giống như máy tính có thể cập nhật riêng biệt cho từng chương trình hệ thống, hầu hết các hệ điều hành di động đều được đóng gói chung trong một tập tin lớn duy nhất nhằm bảo đảm tính ổn định (do các phần mềm hệ thống thường tương tác với nhau khá chặt chẽ). Do đó, nếu muốn cập nhật một phần mềm hệ thống nào thì các nhà sản xuất cũng phải tạo ra một bản firmware mới hoàn toàn là điều dễ hiểu. Tóm gọn lại, có ba lý do chính để các nhà sản xuất cần phải đưa ra các bản firmware mới cho thiết bị của mình: sửa lỗi, cải thiện hiệu năng và thay đổi những thành phần quan trọng trong nhân và phần mềm hệ thống.   

Có nên nâng cấp? 

       Thành thật mà nói, đây là một câu hỏi mà e-CHÍP cũng khó lòng trả lời cặn kẽ. Nếu bạn đang sử dụng một chiếc máy hoạt động ổn định thì câu trả lời của chúng tôi là hãy chờ tối thiểu hai tuần trước khi cập nhật bất cứ bản nâng cấp nào. Trong thời gian này, những người dùng sử dụng trước sẽ thông báo những lỗi và hạn chế của bản firmware mới để nhà sản xuất thay đổi, và bạn sẽ có một bản cập nhật mới hơn, tốt hơn. Còn nếu máy bạn đang thiếu ổn định thì tất nhiên việc nâng cấp gần như là điều bắt buộc. Vì dù sao đi nữa, các nhà sản xuất cũng đã thử nghiệm khá kỹ trước khi đưa ra bất cứ bản cập nhật nào. Một số hệ điều hành sẽ bị mất toàn bộ dữ liệu của người dùng tạo ra khi nâng cấp, do vậy bạn hãy bảo đảm đã sao lưu toàn bộ những gì mình tạo ra bằng tay trước khi thực hiện bất cứ thao tác thay đổi firmware nào, kể cả khi nhà sản xuất bảo đảm thiết bị đó không bị mất gì sau khi nâng cấp. Bạn cũng nên thực hiện việc sao lưu bằng phần mềm nhưng đây chỉ là biện pháp dự phòng do nó không ổn định bằng người dùng tự thực hiện. Trong trường hợp bạn đã nâng cấp lên một phiên bản firmware mới nhưng hoàn toàn không sửa được những lỗi mà nhà sản xuất đã đề cập, hãy kiểm tra xem những người dùng trên các cộng đồng mạng, các website có gặp tình trạng tương tự hay không. Nếu bạn thuộc về số ít những người gặp rắc rối thì hãy sao lưu và định dạng (format) sạch sẽ máy để trở về tình trạng ban đầu. Sau đó, hãy cập nhật bản firmware mới nhất trước khi tương tác với máy. Lưu ý, đừng bao giờ sao lưu các dữ liệu mang tính hệ thống vì có thể chúng sẽ gặp xung đột với firmware mới sau khi được phục hồi.
Lời khuyên cho từng dòng máy iOS: Với người dùng iOS, việc nâng cấp còn phụ thuộc vào bạn đang sử dụng phần mềm bản quyền hay phần mềm jailbreak, máy quốc tế hay bị khóa mạng. Trong trường hợp câu trả lời là jailbreak và khóa mạng thì tất nhiên việc cập nhật là không nên, trừ khi đã có công cụ bẻ khóa máy. Nếu sử dụng máy quốc tế và phần mềm bản quyền, tất nhiên bạn hãy thoải mái tận hưởng những chế độ hậu mãi của Apple mà không phải lo mất bất cứ dữ liệu nào vì iTunes tự động xử lý việc này. BlackBerry: Một trong những đặc trưng của Blackberry là có rất nhiều bản ROM thử nghiệm bị lộ trước khi bản chính thức được phát hành. Thông thường, các bản ROM này hoạt động khá ổn định nhưng nếu đang dùng máy yên ổn thì bạn cũng không nên thử. Các máy BlackBerry nâng cấp ROM bằng chương trình BlackBerry Desktop Manager sẽ không bị mất dữ liệu. Symbian: Ngày trước, người dùng Symbian sẽ mất toàn bộ dữ liệu khi nâng cấp firmware, nhưng nay Nokia đã nâng cấp các bộ công cụ Software Update và Ovi Suite nhằm giảm thiểu tình trạng này. Cũng như iOS, người dùng Symbian cần chú ý các bản firmware mới có thể hạn chế công cụ hack máy hoạt động. Android: Android hỗ trợ cập nhật OTA (giống Symbian) cho phép người dùng tải và nâng cấp firmware ngay trên máy. Thành thật mà nói thì đây là cách cập nhật khá tiện lợi và hữu ích so với cách làm truyền thống của iOS. Tuy không bị mất dữ liệu khi cập nhật nhưng bạn vẫn nên sao lưu cẩn thận trước khi thực hiện bất cứ hành động nào. Lưu ý rằng bất cứ máy Android đã nâng cấp ROM tùy chỉnh (hay còn gọi là ROM “nấu”) nào cũng sẽ không thể cập nhật các ROM chính hãng qua OTA.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét