TTO - Bộ Giáo dục và đào tạo hô hào giảm tải cho học sinh, còn giáo viên thì lại đang bị quá tải, trước hết là quá tải sổ sách. Giáo viên đang phải làm sổ sách theo kiểu đối phó. Có cách nào để giảm tải sổ sách cho giáo viên?
Đó là những ý kiến bạn đọc (trong đó chủ yếu là của các giáo viên) bày tỏ sự đồng cảm với bài viếtKhi giáo viên phải làm tới 24 loại sổ sách của tác giả Ngọc Tài đăng trên Tuổi Trẻ ngày hôm nay 7-10.
- Rất đồng cảm với tác giả bài viết. Tôi cũng là giáo viên, cũng làm những loại sổ sách hay kế hoạch này như: sổ báo giảng, kế hoạch chủ nhiệm lớp, sổ sinh hoạt lớp... Làm hết những loại sổ này vừa tốn thời gian mà hiệu quả thì rất ít. Bộ GD-ĐT cứ hô hào giảm tải kiến thức cho học sinh còn giáo viên đang bị quá tải. Cũng cần giảm bớt các loại sổ hay các loại kế hoạch.
- Anh trai tôi là giáo viên. Tôi thấy mỗi lần có kiểm tra hồ sơ ở trường là lại chuẩn bị một đống các loại sổ sách.
Tôi hỏi: "Anh là giáo viên dạy môn mỹ thuật, sao hồ sơ nhiều cái chẳng liên quan tới mỹ thuật cả vậy?".
Anh ấy trả lời: "Chỉ làm để đối phó thôi chứ mấy cái này đâu có tác dụng gì cho môn anh dạy đâu".
Tôi nghĩ đúng là bất cập quá. Ngành giáo dục phải cần điều chỉnh vấn đề này.
Giảm áp lực, gánh nặng cho giáo viên kiểu gì khi mà phải làm những việc "vô tác dụng"? Nên tập trung vào chuyên môn, tập trung vào chất lượng học sinh.
Không thể đánh giá thi đua của giáo viên chỉ dựa vào mấy quyển sổ kia được. Tôi thấy bất cập nữa là hằng năm các trường quy định giáo viên phải dự giờ thao giảng càng nhiều càng tốt. Việc dự giờ nhiều khi giáo viên dạy kín thời gian còn đâu mà đi dự, nhưng bắt buộc phải có đầy đủ số tiết quy định.
Anh trai tôi dạy môn mỹ thuật cấp I nhưng toàn phải đi dự các môn khác như toán, tiếng Việt, đạo đức, âm nhạc, thể dục... Như vậy, không có gì gọi là học tập nâng cao nghiệp vụ sư phạm của môn mỹ thuật cả.
- Tối ngày lo hoàn chỉnh các loại sổ lấy đâu thời gian dạy tốt? Ngoài sổ giáo viên, còn lo phong trào tối mặt như: thi an toàn giao thông, vệ sinh, nấu ăn, tiếng hát giáo viên, giáo viên dạy giỏi...
- Ý kiến về phải làm quá nhiều loại sổ sách của bạn Ngọc Tài cũng là nỗi lòng của hầu hết các giáo viên.
Bởi đây là quy định chung của ngành giáo dục, mà đã quy định thì không thể không làm.
Không phủ nhận về tác dụng cũng như sự cần thiết của mỗi loại sổ. Nhưng có quá nhiều loại sổ như thế cũng gây ra nhiều phiền toái, nặng nhọc cho giáo viên.
Thiết nghĩ trong Đề án đổi mới giáo dục đang được bàn thảo thì cũng nên quan tâm đổi mới về quản lý các loại sổ sách để giảm bớt gánh nặng cho giáo viên, để họ dành nhiều thời gian hơn cho đầu tư chuyên môn.
Là thời đại công nghệ thông tin rồi thì cũng nên quản lý giáo dục bằng các giải pháp công nghệ vừa thuận lợi, tiện ích, vừa nhanh, tốn ít thời gian hơn.
Hiện nay có khá nhiều phần mềm quản lý giáo dục rất hay và hiệu quả, nhiều trường đã sử dụng rồi.
Nên chăng Bộ GD&ĐT có chủ trương, biện pháp nghiên cứu để tạo ra một phần mềm dùng chung, từ đó các trường cũng rất thuận lợi, các cấp lãnh đạo quản lý hiệu quả hơn.
- Bài viết rất đúng. Tôi có vợ là giáo viên một trường THPT ở tỉnh Kiên Giang, cũng phải thực hiện các loại sổ như trên. Tôi thấy ngành GD "hành" giáo viên là chính, mỗi lần thanh tra về mục đích chính là kiểm tra xem có bao nhiêu loại sổ, có hoàn thành đủ không... Trong khi việc GV đó dạy dỗ thế nào thì không đánh giá đúng thực chất (vì thanh tra báo trước, tiết học được chuẩn bị rất công phu thì giờ dạy bét lắm cũng được xếp loại khá). Ngành GD nên xem lại việc này để giảm tải các việc "không tên" cho GV.
- Không còn thời gian lo chuyên môn. Đối phó là chủ yếu. Tôi là giáo viên, cũng ngán lắm rồi mấy cuốn sổ. Rối như tơ vò.
- Vợ tôi là giáo viên cấp I, có gần chục loại sổ: sổ hội đồng, sổ tổ, sổ thiết bị, sổ dự giờ, sổ công đoàn...
Mang tiếng được nghỉ chủ nhật, nhưng từ đầu năm đến giờ mới nghỉ 1 CN còn lại họp họp họp và họp... Về đến nhà là ôm cái máy tính, mê máy tính hơn chồng con. Đến việc điều tra phổ cập giáo dục cũng kêu 2 ngày đi điều tra rồi về tổng hợp. Việc này tôi nghĩ phải giao cho giáo viên chuyên trách phổ cập chứ. Nhiều việc linh tinh nên còn đâu thời gian, tinh thần mà đầu tư chuyên môn.
Chưa kể theo quy định chỉ 35 học sinh/lớp, còn lớp vợ tôi dạy 57 học sinh lớp 1. Con cái bạn học được bao nhiêu từ "cái chợ" 57 trẻ còn ỉa, đái ra quần đó?
- Ngành GD hô hào ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy và quản lý. Có một nghịch lý là càng ứng dụng CNTT thì công việc hành chính của GV càng nặng nề hơn trước. Những cán bộ chỉ đạo chuyên môn mỗi cấp đẻ ra một số sổ sách và xem đó như một sáng kiến trong quản lý giáo dục. Cộng lại từ Bộ GD-ĐT xuống đến phòng GD là hàng chục loại sổ mà GV phải làm.
- Sổ sách của giáo viên thực ra nhiều loại chẳng có tác dụng gì trong việc nâng cao chất lượng. Các cấp quản lý cần có sáng kiến, đổi mới công tác quản lý trong trường học chứ đừng theo đường mòn lối cũ, không mang lại kết quả gì trong việc nâng cao chất lượng giáo dục!
- Giáo dục đang bị hành chính hóa. Quá nhiều sổ sách, công văn! Thiết nghĩ giáo viên chỉ chú trọng giáo án và giảng dạy. Các vấn đề khác đã có lãnh đạo chỉ đạo, bộ phận văn phòng làm...
Là giáo viên, bạn có quá tải với các loại sổ sách? Theo bạn, những loại sổ sách nào có thể bỏ, gộp để việc quản lý, giảng dạy được hiệu quả hơn? Ngoài sổ sách, bạn còn đang phải quá tải với những công việc nào nữa? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc qua phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét