Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Tổng hợp thủ thuật PhotoShop..

1. Di chuyển layer với phím Control
Bạn không cần thiết phải chọn lệnh Move tool để di chuyển layer vòng quanh. Đơn giản nhất là bạn chỉ cần giữ phím Control (với người dùng Windows) hoặc phím Command (với người dùng Mac) và click rồi kéo trên layer đó bằng chon chuột

2. Ẩn các bảng Palettes với phím Tab 




Các bảng lệnh palettes có làm vướng bạn không? Bạn có thể ẩn chúng tạm thời bằng cách nhấn phím Tab. Để gọi chúng lại chỉ cần bấm lại phím Tab. 




3. Chọn lựa tất cả các pixel trên một layer 




Để chọn lựa tất cả các pixel (điểm ảnh) không trong suốt trên một layer (ngược với việc sử dụng "Select All" là chọn lựa toàn bộ layer), bạn hãy giữ phím Control (Windows) hoặc phím Command (Mac), rồi click trên layer đó trong bảng Layers Palette: 


4. Kích đúp chuột để mở các file ảnh 




Để mở một file ảnh trong Photoshop, bạn không cần thiết phải mất công chọn File > Open hoặc nhấn tổ hợp phím Control O - đơn giản bạn chỉ cần kích đúp chuột trên nền xám của cửa sổ Photoshop! 




5. Kéo thả các layer giữa các file ảnh 




Bạn có thể copy một layer từ file ảnh này sang file ảnh khác bằng cách click trên layer đó trong bảng Layers palette rồi sau đó kéo nó qua bên cửa sổ của file ảnh thứ hai rồi thả chuột: 


6. Chế độ toàn màn hình Full Screen 





Nếu bạn đang làm việc trên một hình ảnh lớn như một bức hình chẳng hạn, bạn có thể muốn nới rộng tối đa diện tích chỉnh sửa và vùng làm việc bằng cách nhấn phím F để chuyển qua một chế độ toàn màn hình (full screen) mà không có menu bar, và chế độ biên tập vẫn bình thường. Nếu bạn cũng sử dụng mẹo thứ 2 ở trên, và các phím tắt, bạn sẽ làm việc rất nhanh mà không cần tới menu hoặc các bảng palette. Muốn trở về các chế độ bình thường lại nhấn lại phím F! 




7. Dịch chuyển layer bằng bàn phím 




Bạn có thể điều khiển chính xác vị trí của các layer bằng cách sử dụng các phím mũi tên trên bàn phím để di chuyển các layer từ từ. Giữ phím Control (Windows) hoặc phím Command (Mac) rồi dùng phím up, down, left hoặc right để di chuyển layer mỗi lần một 1 pixel. Để di chuyển layer mỗi lần 10 pixels giữ thêm phím Shift key và làm tương tự. 




8. Chọn màu nhanh 




Nhấn phím I để chọn công cụ Eyedropper tool, sau đó click lên một màu trên hình ảnh, nó sẽ là màu sử dụng để tô (foreground colour). Nhấn ALT và click để chọn màu nền (background colour). 




Bạn có thể cũng nhấn phím D để đưa màu tô và màu nền trở về các màu mặc định (đen và trắng), rồi nhấn phím X để chuyển đổi giữa màu tô và màu nền. 




9. Giữ cho đường vẽ được thẳng 




Bạn có thể ép chuột di chuyển theo các góc gần nhất, hay dùng nhất như 45 độ hoặc 90 độ bằng cách giữ phím Shift trong khi click và kéo chuột. Công việc này được sử dụng cho rất nhiều công cụ như Paintbrush Tool, Line Tool và Move Tool. Rất tốt cho việc vẽ đường thẳng! 


10. Bạn muốn mở nhiều file ảnh cùng lúc : 

Bạn mởthư mục ảnh ra quét chọn hết các ảnh cần mở ,nắm chuột kéo thả vào màn hình photoshop là được

Hình ảnh này đã được thay đổi kích thước. Click vào đây để xem hình ảnh gốc với kích thước là 1366x768

 

11. Bạn muốn xử lí nhanh các file ảnh Sử dụng công cụ cur12ves trong photoshop : 
Bạn muốn xử lý qua lại giữa 2 ảnh ,bạn nhấn phím tắt Ctrl+Tab,nhảy qua lại giữa 2 ảnh ,khỏi mất công mở rồi tắt mở mất thời gian. 

12. Sử dụng công cụ curves trong photoshop :
Tác dụng không thể thiếu của Adobe Photoshop đối với ảnh số có lẽ không cần phải nói nhiều. Với những công cụ chuyên nghiệp hiệu chỉnh chi tiết về ánh sáng, màu sắc, thậm chí là thay đổi hình dạng, phù phép cho ảnh số; thực sự Photoshop là hành trang không thể thiếu trong nhiếp ảnh cũng như thiết kế, in ấn. Nhưng nếu bắt buộc phải từ bỏ hết các công cụ hiệu chỉnh trong Photoshop chỉ giữ lại duy nhất 1 công cụ, phải chọn công cụ nào đây?

Đó chính là Curves.
 

Curves có những tác dụng gì?
 

____________________________________
 

Trước khi tìm hiểu sâu hơn về Curves, có lẽ cần phải đi qua một số khái niệm đơn giản về màu RGB - hệ màu mặc định mà chức năng Curves sử dụng.
 

Những tác dụng mà Curves tạo nên có thể gây ảnh hưởng riêng biệt đến 4 kênh màu: RGB, R, G và B. Trong đó mặc định là kênh RGB (trắng), và có thể chuyển đổi qua các kênh riêng khác: R (đỏ), G (xanh lá) và B (xanh dương). Điều này là dễ hiểu bởi 3 màu cơ bản đỏ, xanh lá và xanh dương khi hoà trộn vào nhau sẽ cho màu trắng. Như vậy có nghĩa là nếu chỉnh Curves ở kênh RGB thì sẽ có tác dụng thay đổi sáng/tối trên cả 3 màu cơ bản của tấm hình (nhưng vì hoà trộn vào sẽ được màu trắng nên mắt người chỉ nhận thấy tấm ảnh sáng đều hoặc tối đều từ đen tới trắng mà thôi). Nếu chỉnh Curves trên một kênh màu riêng thì sẽ chỉ có tác dụng sáng/tối trên phạm vi kênh màu đó. Ví dụ, chỉnh Curves trên kênh Red thì chỉ có những phần (cụ thể là những pixel) có sắc độ liên quan tới màu đỏ mới thay đổi độ sáng, tối - các sắc độ khác giữ nguyên.
 

Dựa vào biểu đồ pha trộn màu trên đây, có thể hiểu rõ hơn điều vừa viết. Ngoài ra nhờ biểu đồ này ta có thể nhận biết rõ vị trí của màu Cyan (trộn giữa xanh dương và xanh lá), Magenta (trộn giữa đỏ và xanh dương), Yellow (trộn giữa đỏ và xanh lá). Ba màu này (chính là Xanh Ngọc, Tím và Vàng) được ứng dụng rất nhiều trong các công cụ chỉnh màu của Photoshop.


Phạm vi sắc độ (Tonal Range) là gì?
 

____________________________________
 

Phạm vi sắc độ của một tấm ảnh (Tonal Range) có thể hiểu đơn giản là một dải giá trị thể hiện mức độ sáng/tối, chạy từ điểm màu có giá trị tối nhất tới điểm màu có giá trị sáng nhất của tấm ảnh đó.
 

Khái niệm Tonal Range là điều cần thiết nên biết để sử dụng tốt Curves. Thông thường điểm màu có giá trị tối nhất của mỗi tấm ảnh chưa chắc đã là màu đen, và điểm màu có giá trị sáng nhất chưa chắc là màu trắng; tuy nhiên một tấm ảnh tốt thì điểm tối nhất thường là màu đen và điểm sáng nhất là màu trắng. Khi độ tương phản đủ cao thì tấm hình trở nên rõ ràng dễ nhìn hơn. Đó là lý do phải dùng đến Curves.
 

Ví dụ:
 

Hình 1 (Phạm vi sắc độ hẹp)
______
Hình 2 (Phạm vi sắc độ rộng)
Trong hai hình trên, hình bên trái có dải phạm vi sắc độ hẹp, điểm tối nhất cũng chẳng tối lắm mà điểm sáng nhất cũng không sáng hẳn, vậy nên độ tương phản tổng thể thấp, hình rất khó nhìn. Hình bên phải có phạm vi sắc độ trải từ tối nhất (đen) tới sáng nhất (trắng), hình ảnh cải thiện hơn.


Tổng quan về hộp công cụ Curves
 

____________________________________
 


Như đã biết có 2 cách chỉnh Curves, đó là:
 

Images → Adjustments → Curves... (hoặc Ctrl + M) 

Layer → New adjustment layer → Curves... (hoặc creat adjustment layer ở Layer Palette)
Tuy nhiên trong đa số trường hợp ta nên chọn cách thứ 2 (adjustment layer) vì có thể chỉnh sửa hay xoá tiện lợi hơn mà không ảnh hưởng đến layer gốc, nên trong bài viết này cũng chỉ đề cập đến Curves ở trong Adjustment layer box.
Curve có nghĩa là đường cong, về mặt cơ bản, công cụ Curves cho phép ta chỉnh sửa độ sáng của màu sắc thông qua việc điều chỉnh một đường đồ thị. Đường này là tập hợp các giá trị sắc độ của hình ảnh từ tối nhất (đen) tới sáng nhất (trắng). Khi chưa chỉnh sửa gì, đường đồ thị đó là một đường thẳng, sau khi chỉnh sửa nó sẽ thành một (hoặc nhiều) đường cong.

Hình bên mô tả đường Curves mặc định, khi chỉnh sửa nên ngầm phân chia giá trị các sắc độ thành những khoảng khác nhau: Sáng nhất (White point), Sáng (Highlights), Trung tính (Midtones), Tối (Shadows) và Tối nhất (Black point); sau đó đánh giá tấm hình để tự đưa ra quyết định nên tăng hay giảm giá trị sắc độ ở khoảng nào.
 

Click chuột lên một điểm bất kỳ trên đường Curves, sẽ xuất hiện một dấu chấm tại điểm đó. Ta có thể giữ chuột và thay đổi vị trí điểm đánh dấu đó để thay đổi sắc độ. Cũng như mọi đồ thị khác, đồ thị Curves cũng có cột giá trị X và Y, ở đây là Input và Output.
 

Input được hiểu là dải giá trị sắc độ của hình ảnh trước khi chỉnh sửa, Output là dải giá trị sắc độ của hình ảnh sau khi chỉnh sửa. Khi chưa chỉnh sửa, đường Curves đi thẳng từ tối nhất lên sáng nhất, tại mọi điểm trên đường Curves, ta có Input=Ouput (X=Y)

Cơ chế hoạt động của Curves:
 

____________________________________
 


Di chuyển điểm đánh dấu trên đường Curves. Sau khi di chuyển, những điểm màu mang giá trị sắc độ tương ứng trên dải Input sẽ biến đổi (sáng hơn hoặc tối hơn) thành giá trị tương ứng trên dải Ouput.
 

Hình minh hoạ cho cơ chế của Curves. Cùng một mục đích với công cụ Level, nhưng Curves mềm dẻo hơn rất nhiều, có thể tạo tối đa 14 điểm chỉnh sửa trên đường Curves (ngoài 2 điểm đầu và cuối).

Các nút và chức năng trong Curves box
 

____________________________________
 


S-Curves và Inverted S-Curves
 

____________________________________
 


Chỉnh Curves theo hình chữ S và theo hình chữ S ngược là 2 kiểu thông dụng nhất. Bởi thông thường trong đa số trường hợp, chỉ có 2 mục đích chính là tăng hoặc giảm độ sáng (hay tương phản) của tấm ảnh một cách đồng đều. Trừ khi người thiết kế muốn chỉnh ảnh theo một mục đích quái dị.
 

Chỉnh Curves theo hình chữ S làm giảm độ tương phản ở các khoảng Shadows và Highlights, đồng thời tăng độ tương phản ở Midtones, nên làm tăng độ tương phản tổng thể của tấm ảnh. Trong khi chỉnh Curves theo hình chữ S ngược lại cho kết quả ngược lại.
 


Chỉnh Curves theo hình chữ S

Biểu đồ (Histograms) và phạm vi sắc độ rỗng (Empty Tonal Range)
 

____________________________________
 


Như chú thích trong hình minh hoạ Curves box, nằm chìm phía trong đồ thị Curves là biểu đồ (Curves Histograms). Biểu đồ này thể hiện số lượng điểm ảnh (pixel) tại các khoảng sắc độ khác nhau. Bình thường khi chỉnh sửa ảnh có thể không mấy ai để ý tới biểu đồ này, tuy nhiên đối với những tấm hình có độ tương phản quá thấp, biểu đồ cung cấp cho chúng ta thông tin tuyệt vời để chỉnh sửa lại cho vừa đúng mà không sợ quá tay. Trong hình dưới đây, pixel tối nhất của tấm ảnh cũng chỉ màu xám một chút, và pixel sáng nhất của ảnh cũng không sáng hoàn toàn. Như đã biết ở các mục trên, tấm hình này được gọi là có phạm vi sắc độ hẹp. Tuy nhiên mức độ hẹp bao nhiêu thì phải xem biểu đồ mới chỉnh đúng được. Ở các tấm hình có Tonal Range hẹp như thế này, phía trước và phía sau đồ thị (trước điểm ảnh đầu tiên và sau điểm ảnh cuối cùng) thường có một khoảng trắng, vì không có điểm ảnh nào đạt sắc độ trong các khoảng đó cả. Khoảng trắng đó gọi là Phạm vi sắc độ rỗng (Empty Tonal Range).
 

Để cứu vãn tình thế, chỉ cần kéo điểm hiệu chỉnh trên đường Curves tại vị trí Black point (tối nhất) tới điểm bắt đầu của biểu đồ (Histograms), đồng thời kéo điểm White point (sáng nhất) lùi lại điểm cuối cùng của biểu đồ. Làm như vậy ta đã xoá bỏ các phạm vi sắc độ rỗng, và xác định lại điểm sáng nhất, tối nhất ở sắc độ hợp lý hơn.
 



Khắc phục Empty Tonal Range
 

Ngoài ra còn có một trường hợp hiếm gặp của Empty Tonal Range đó là khoảng trắng xuất hiện ở giữa biểu đồ, chia biểu đồ thành 2 khoảng về phía Shadows và Highlights, còn Midtones thì ít hoặc không có gì. Trường hợp này thực sự hiếm gặp và thường thấy ở những bức ảnh bị chỉnh sửa hỏng, tăng độ tương phản quá mức, các pixel quá tối hoặc quá sáng thì nhiều còn các pixel màu trung tính thì ít hoặc không có. Ở ảnh chụp gốc thì ít gặp trường hợp này vì hầu hết đều chỉ thiếu chứ không thừa tương phản bao giờ (trừ trường hợp dùng flash hỏng hoặc đặt chế độ White Balance không đúng). Khi gặp phải Empty Tonal Range ở giữa đồ thị, cách khắc phục là chỉnh thành hình chữ S ngược ở khoảng Midtones (cụ thể là khoảng bị Empty Tonal) để giảm Contrast nhằm cứu vãn tình thế. Tuy nhiên nếu ảnh chụp là file RAW thì mới có khả năng cứu, còn bằng file JPEG thì hầu hết là mất chi tiết ở những điểm sáng quá hoặc tối quá, khó mà cứu nổi.
 

Trường hợp này ít gặp hơn nên mình cũng chịu không có hình mình hoạ ^^!
 


Giảm bớt độ sáng gắt (Clipped Highlights)
 

____________________________________
 



Trong một số trường hợp chụp nguồn sáng mạnh (như mặt trời hoặc đèn cao áp) mà không có filter UV hoặc filter Polarizer, ảnh rất có thể sẽ bị sáng loá hoặc gắt, gây khó chịu cho người xem. Không những thế ảnh chụp ra còn trông không thật, nhìn cứ như tranh màu nước. Curves có thể điều chỉnh tốt việc này để vùng sáng gắt trên ảnh chuyển tiếp mượt mà hơn với các vùng xung quanh.
 

Thông thường có thể khắc phục trường hợp này bằng cách giảm độ dốc của đường Curves ở khoảng Highlight (sáng nhất), và tinh chỉnh thêm nếu không muốn các vùng khác thay đổi theo nếu cần.
 

Chỉnh Curves để giảm bớt độ sáng gắt

Điều chỉnh cân bằng màu (Color Balance)
 

____________________________________
 


Curves không chỉ dùng để chỉnh sáng tối, nó thực sự còn thay đổi được tông màu, điều chỉnh lại cân bằng giữa các kênh màu cho chuẩn hoặc pha màu tấm ảnh theo mục đích riêng. Sau khi chỉnh Curves chữ S, hoặc khắc phục Phạm vi sắc độ rỗng, màu ảnh luôn tươi tắn hơn, nhưng đó chưa phải là tất cả đối với Curves. Photoshop có hẳn một chức năng Color Balance riêng, nhưng ngay trong công cụ Curves ta có thể làm điều đó mà kết quả không kém khác một chút nào.
 

Như đã biết Curves có ảnh hưởng mặc định trên kênh màu RGB, nhưng có thể áp dụng riêng trên từng kênh màu R, G và B để tăng giảm sắc độ của từng kênh màu mà không ảnh hưởng đến kênh màu khác. Nguyên tắc chuyển màu trên từng kênh như sau:
 

- Kênh 
Red: tăng sáng được màu Đỏ, giảm sáng được màu Xanh ngọc (Cyan)
- Kênh 
Green: tăng sáng được màu Xanh lá, giảm sáng được màu Tím (Magenta)
- Kênh 
Blue: tăng sáng được màu Xanh dương, giảm sáng được màu vàng



Về bản chất, màu RGB gồm có 1 kênh màu pha trộn và 3 kênh đen trắng mang giá trị sắc độ của 3 màu Red, Green, Blue. Hình dưới đây minh hoạ lần lượt 4 kênh màu đó trong 1 tấm ảnh. Trong Photoshop, có thể bật Menu Windows → Channels... để so sánh rõ hơn sắc độ của từng kênh màu.




Trong nhiều trường hợp khi chụp ảnh ta gặp phải tình trạng bị ánh sáng phản chiếu vào ống kính gây lệch sắc thái ở một màu nào đó (hiện tượng ám màu). Khi đó vẫn chỉ với Curves, ta có thể điều chỉnh lại. Trong hình dưới đây, qua nhận định ban đầu có thể thấy ảnh bị ám màu xanh (Blue) một chút ở những vùng tối. Mở Channel Blue trong Curves ra, ta thấy ngay có một chút Empty Tonal Range ở khoảng Shadows, như vậy những vùng tối của ảnh không đen như bình thường mà lại xanh nhiều hơn. Áp dụng các cách tinh chỉnh đường Curves, có thể điều chỉnh lại ngay sau vài giây, kết quả cho nước ảnh nhìn có cảm giác trong hơn.
 

Khắc phục ảnh bị ám màu bằng Curves
Trong hình trên, ta thấy các phần Highlights của tấm ảnh đã đủ độ sáng, do vậy nên để nguyên không cần tăng thêm, chỉ giảm một chút ở vùng Shadows để viền thuỷ tinh ở phần chân chiếc cốc nét hơn một chút.


Chế độ hoà trộn cho Curves (Blending Modes)
 

____________________________________
 

Khi sử dụng Adjustment layer cho Curves, ta còn có thể quy định ảnh hưởng của Curves chỉ có tác dụng trên màu của ảnh (Color) hoặc chỉ trên Độ sáng tối của ảnh (Luminosity). Dùng các Blending Modes (chế độ hoà trộn) cho Adjustment layer để thực hiện điều đó, cụ thể là blend mode Color và blend mode Luminosity. Khi chọn blend mode là Color thì Curves chỉ có tác dụng trên các kênh màu R, G, B (tức là độ sáng tối cho các kênh màu); còn khi chọn Luminosity thì Curves chỉ có tác dụng trên kênh chung RGB (sáng đều và tối đều nhau).

Có thể hiệu chỉnh cùng Blend Mode tinh tế hơn nhờ thay đổi Opacity của Adjustment layer.
 

Trên đây là những điều cần biết về công cụ Curves trong Photoshop. Trong lúc viết bài này, mình cũng thực hành không ít vì phải làm ảnh minh hoạ ^^, áp dụng thực tế một chút sẽ thấy dễ hiểu hơn nhiều. Ứng dụng của Curves có lẽ còn xa hơn những điều viết bên trên, tuỳ thuộc vào cảm quan đánh giá và sự linh hoạt của người sử dụng. Tuy nhiên muốn làm gì cho tốt thì trước tiên nên hiểu rõ về nó. Công cụ Curves mới đầu khó hiểu là vậy nhưng thực ra cũng chỉ xoay quanh nguyên lý sáng tối với những màu cơ bản, vận dụng tốt Curves chắc chắn sẽ mang lại kết quả cao và tiết kiệm thời gian trong xử lý hậu kỳ ảnh số.
 

Cuối cùng, một số chú ý nhỏ:
 

- Hãy thực hành Curves với ảnh mới chụp, đừng làm trên ảnh đã xử lý rồi
 

- Để hiệu quả thể hiện rõ rệt hơn, hãy chuyển sang chế độ màu 16 bit (Image → Mode → 16 Bits/Channel)
 

- Curves mà dùng kết hợp với chế độ Lab Color thì còn nhiều hiệu quả bất ngờ khác nữa 
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét