Nhiều giáo viên tiểu học đề nghị bỏ thi chữ đẹp
Nhiều giáo viên tiểu học đề nghị bỏ thi chữ đẹp
Nhiều giáo viên đang dạy tiểu học đề xuất bỏ cuộc thi viết chữ đẹp vì việc ôn luyện rất áp lực cho cả giáo viên và học sinh.
Có thâm niên 35 năm là giáo viên tiểu học, cô Dung (Hà Nội) cho rằng, luyện viết chữ đẹp, giữ vở sạch là phong trào rất tốt từ ngày xưa. Phong trào này đến nay vẫn được phát huy, song lại trở nên căng thẳng và tạo thành một cuộc chạy đua giữa các giáo viên, phụ huynh. Nếu trước đây học sinh vào lớp 1 thầy mới dạy nét chữ đầu tiên thì nay trẻ mẫu giáo đã phải mím môi, còng lưng, vẹo cổ... đi luyện chữ.
Theo phân phối chương trình hiện tại, trẻ học lớp 1 ngày nào cũng phải tập viết, lớp 2 có 2 tiết chính tả mỗi tuần. Những tiết học này rất vất vả khi trong vòng 40 phút, các em vừa nghe cô giảng, vừa viết vào bảng, vừa viết vào vở thực hành 1 trang giấy, về nhà lại có 1 trang bài tập. Lớp 4 thì chỉ có 1 tiết mỗi tuần và lớp 5 thì học sinh đã có ý thức hơn.
"Chương trình học không nặng lắm, nhưng cả thầy và trò đều bị áp lực quá lớn. Nếu giáo viên đứng lớp mà tỷ lệ vở sạch chữ đẹp không đạt yêu cầu sẽ mất lao động tiên tiến, học sinh không viết đẹp thì mất danh hiệu, bên cạnh đó còn phải ra sức rèn luyện chữ đẹp để đi thi", cô Dung cho hay.
Giáo viên tiểu học ủng hộ phong trào vở sạch, chữ đẹp nhưng bỏ cuộc thi viết chữ đẹp.Ảnh: HH. |
Học sinh khi viết bẩn, sai, phải tẩy xóa thường xé trang giấy đó đi. Có những trường học xong thì dưới sàn lớp vở trắng xóa. Cá biệt, có em phải thay vở, chép lại toàn bộ bài học để đảm bảo "vở sạch, chữ đẹp" khi gần đến đợt kiểm tra.
Việc tuyển chọn học sinh đi thi viết chữ đẹp cũng rất gắt gao qua các cuộc thi trong phạm vi lớp, rồi khối, trường, quận... Sau khi chọn được học sinh, thầy cô phải tổ chức ôn luyện. Áp lực giành giải khiến cả cô và trò đều gồng mình cố gắng. Quá trình chấm thi chữ đẹp cũng yêu cầu cao, từ cách đặt bút viết con chữ, điểm dừng bút, uốn lượn, nét thanh, nét đậm, khoảng cách từ chữ này sang chữ kia...
Từng tham gia luyện viết chữ đẹp cho học sinh ở các kỳ thi huyện đến thành phố, cô Thúy (Hải Phòng) nhận thấy rất áp lực khi các em ngày đêm phải luyện đến còng lưng, mỏi tay, mỏi mắt. Việc tập trung quá cũng khiến thần kinh các em bị căng thẳng.
"Bản thân tôi đã góp ý rất nhiều nhưng không ai nghe. Dù bị bắt đi rèn viết chữ đẹp cho học sinh thi nhưng riêng con mình, tôi không bao giờ bắt con phải viết đẹp cả, chỉ cần viết đúng, rõ ràng", cô Thúy tâm sự.
Một giáo viên đang dạy ở Hà Nội cũng cho biết, chị không thích học sinh của mình đi luyện chữ vì nó không mang ích lợi gì cho các em. Bản thân chị chưa từng có danh hiệu gì vì không chạy theo thành tích, tạo áp lực cho học sinh. Chị chỉ nhắc nhở các em viết cẩn thận, đúng chính tả, sạch sẽ. Những lứa học sinh đầu của chị hiện nay đều viết đẹp và thành đạt.
"Nếu các phòng, sở giáo dục còn thi viết chữ đẹp thì chắc chắn học sinh còn phải luyện để vui lòng cha mẹ, thầy cô", giáo viên này nói.
Một thực tế cô Dung từng gặp, đó là có những học sinh luyện thì viết chữ rất đẹp, khi không luyện nữa thì chữ lại "như gà bới". Cô giáo tiểu học có 35 năm kinh nghiệm kiến nghị, cần bỏ thi viết chữ đẹp vì còn thi là còn bệnh thành tích, còn nói dối, áp lực. Chỉ nên duy trì phong trào vở sạch chữ đẹp thông qua những bài học trong từng giờ, từng ngày trên lớp, kết hợp với phụ huynh. Trên lớp cô nhắc nhở, chấn chỉnh, về nhà bố mẹ cho con viết lại những chữ viết sai. Chỉ nên cho học sinh viết 2 dòng, không cần thiết phải bắt trẻ ngồi viết đến 2 trang như một số phụ huynh vẫn làm.
Thông qua việc rèn chữ, điều quan trọng nhất là phải luyện cho học sinh cách sắp xếp sách vở, giữ sách vở sạch đẹp, không bị nhàu, quăn mép... Phụ huynh không nên ép con viết đẹp mà phải luyện ý thức và tình yêu cái đẹp cho con.
"Cha mẹ mỗi ngày chỉ cần cho con chép 4 dòng thơ, như vậy là đã đủ. Hãy dành thời gian luyện chữ để dạy Sử, Địa để trẻ khắc sâu những kiến thức về lịch sử, về danh lam, thắng cảnh của đất nước. Nhà trường cần tổ chức cho học sinh đi các bảo tàng lịch sử, quân sự, mỹ thuật, dạy các con ứng nhân xử thế, yêu thương đồng loại, kính trọng người lớn...", cô Dung nhắn nhủ và khẳng định, khi đã rèn cho các em ý thức thì mỗi học sinh sẽ tự biết nhìn bạn, học thầy để viết chữ đẹp hơn.
Hoàng Thùy